Một kiệt tác khác nằm trong bộ sưu tập đặc biệt của bảo tàng là bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn, vẽ năm 1943. “Em Thúy” là tác phẩm nổi bật trong số rất nhiều tranh sơn dầu của các sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thuộc Pháp và cũng là bức họa xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn.
Một số nhà phê bình cho rằng khuôn mặt mong manh như thiên thần và đôi mắt đen mở to tròn, ẩn sâu sự lo lắng của nhân vật trong tranh như đã báo trước cuộc chiến khốc liệt sẽ diễn ra khi đế quốc Nhật thế chân người Pháp hiện diện tại Việt Nam. Và hậu quả sau đó là nạn đói nặng nề năm 1945. Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân đã nói rằng “Em Thúy” đã phản ánh thế giới nội tâm của cậu bé Cẩn khi chứng kiến sự Tây hóa của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Bức tranh vẽ chân dung bán thân của em Thúy đang ngồi trên ghế mây, hai bàn tay đặt vào nhau thu gọn vào lòng trong bộ quần áo đơn giản màu trắng; mái tóc ngắn, đôi mắt mở to trong sáng cùng nét mặt ngây thơ. Với tinh thần lãng mạn, trong trẻo, hòa sắc ấm với những đường cong nhẹ nhàng, nhân vật em Thúy được sử dụng bút pháp tả chân tinh tế với bố cục chặt chẽ, độc đáo. Nhân vật không đặt ở chính giữa tranh mà đặt thiên về một nửa bên trái nhưng vẫn tạo được sự cân bằng trong bố cục bởi những đường nét của ghế mây, tóc và tay của nhân vật. “Em Thúy” cũng thể hiện ảnh hưởng từ phong cách dùng bố cục không đối xứng của họa sĩ người Pháp Henri Matisse, tiếp thu bảng màu giàu sắc nhẹ của chủ nghĩa Ấn tượng với tâm hồn nhẹ nhàng kín đáo, lịch lãm trong tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Đây là tác phẩm tiêu biểu và đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau, góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông - Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình. Danh họa Trần Văn Cẩn đã dành cả đời mình cho sáng tạo nghệ thuật. Ông là một trong những cây đại thụ của làng Mỹ thuật Việt Nam, một tấm gương sáng về lao động nghệ thuật cho các thế hệ mai sau. Theo nhà phê bình Thái Bá Vân, hình tượng “Em Thúy” phản ánh thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn vào những năm 1940 khi họa sĩ mang nhiều nỗi niềm trước công cuộc Âu hóa ở Việt Nam. Hay như cảm nhận của một nhạc sĩ người Anh, lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh “Em Thúy” đã bị hút hồn và ông thốt lên rằng: “Tôi thực sự xúc động đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh và bởi “Em Thúy” ngồi đó nhìn xuống tôi như người giám hộ những ký ức tuổi thơ… Tôi đã từng nói rằng, bức tranh “Em Thúy” là bản phóng tác của Mona Lisa - Một hình tượng quốc gia với cái nhìn đầy bí ẩn”.
Tranh “Em Thúy” được ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm FARTA (Hà Nội) năm 1943 và tham gia nhiều triển lãm trước khi được trưng bày ổn định tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với những giá trị đó, bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Quyết định số: 2599/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2013, công nhận BVQG cùng với 36 hiện vật thuộc các bảo tàng khác nhau trên cả nước).
Năm 2004, Chính phủ Australia thông qua Hội đồng Nghệ thuật Australia và Tổ chức ASIALINK đã tài trợ cho dự án tu sửa, phục chế bức tranh “Em Thúy” và được thực hiện bởi chuyên gia Caroline Fry đến từ Đại học Tổng hợp Melbourne. Qua dự án tu sửa, phục chế, “Em Thúy” đã được gia cố ổn định phần sơn trên mặt tranh, làm sạch bề mặt và xử lý kết cấu bằng kỹ thuật hiện đại, chất liệu chuyên dụng và bảo quản, vào khung mới cho tranh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của bức tranh “Em Thúy”, các bảo vật quốc gia và những hiện vật khác của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giáo dục và đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Nguồn: Thế giới dí sản