Bức tranh miêu tả một người đàn ông đang đứng trên một cây cầu, hai tay ôm lấy hai bên mặt, miệng mở to như đang thét lên trong vô tận. Người đàn ông có một hình dáng không rõ ràng nhưng vẻ mặt hiện rõ sự sợ hãi và đau khổ. Bầu trời màu đỏ như máu và những đám mây có hình dạng khác thường tạo nên một không gian bí ẩn.
Bức họa sau khi hoàn thành đã trở thành một biểu tượng của nghệ thuật biểu hiện và được coi là tuyên ngôn về cảm xúc. Nó đã trở nên nổi tiếng trên toàn cầu và đi vào lịch sử nghệ thuật thế giới.
Bức tranh Tiếng thét trở nên nổi tiếng một phần nhờ vào nghệ thuật biểu hiện được tác giả Edvard Munch thể hiện thông qua bức tranh. Bức họa có kích thước khoảng 91cm x 73,5cm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên bìa cứng.
Chất liệu sơn dầu được sử dụng phổ biến trong nhiều tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như bức tranh Đêm đầy sao, bức tranh Qúy bà và con chồn, bức tranh Cô gái đeo ngọc trai, ...
Bức tranh Tiếng thét là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật biểu hiện
Edvard Munch sử dụng kỹ thuật vẽ biểu hiện (Expressionism) để thể hiện cảm xúc mạnh mẽ và nỗi đau bên trong. Ông đã vẽ những đường nét cong và xoáy lốc tạo nên cảm giác hỗn loạn và sự bất an. Màu sắc tương phản mạnh mẽ giữa bầu trời đỏ và nước xanh cũng như cầu gỗ màu tối làm tăng thêm cảm giác kinh hoàng của tác phẩm.
Bức tranh Tiếng thét của Edvard Munch là một tác phẩm mang tính biểu tượng của nghệ thuật thế kỷ 20, thể hiện sự căng thẳng và lo âu của con người trong thời kỳ hiện đại.
Tiếng thét trở nên nổi tiếng như vậy không chỉ nhờ nghệ thuật hội họa mà còn bởi ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm và người xem có thể cảm nhận được. Bức tranh thể hiện hội chứng lo âu, sợ hãi mà nhiều người mắc phải, dù ở trong thời đại nào thì chúng ta cũng phải đối mặt với những cảm xúc đó.
Mỗi con người chúng ta đi qua cuộc đời đều sẽ phải trải qua những sự việc không mong muốn. Bức tranh Tiếng thét khiến người xem sợ hãi khi nhìn vào thực tại, khiến họ dễ liên hệ đến sự khắc nghiệt của cuộc sống. Đó chính là nỗi buồn, lo lắng, tổn thương, đau khổ và đơn độc mà con người phải trải qua.
Vào năm 1904, sau 10 năm tác phẩm được công bố, một nhà phê bình nghệ thuật người Đan Mạch đã phát hiện ra dòng chữ ở góc bên trên ẩn giữa những đám mây đỏ cuồn cuộn “Chỉ có thể do một kẻ điên vẽ”. Kể từ đó, câu hỏi được đặt ra là ai có thể làm xấu bức tranh và lý do đằng sau là gì?
Dòng chữ kỳ quặc trên tác phẩm Tiếng thét
Ban đầu, người ta cho rằng dòng chữ này được vẽ bởi một kẻ có mưu đồ phá hoại do bất mãn và không hài lòng với những gì bức tranh thể hiện. Bởi vào năm 1895 đã có nhiều phản ứng dữ dội với bức tranh này và không khó để tin rằng có người âm mưu muốn phá hoại tác phẩm.
Vào năm 2021, bí ẩn kéo dài 100 năm cuối cùng cũng có lời giải trong cuộc triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy. Các chuyên gia thuộc Đại học Na Uy đã phát hiện ra thủ phạm thực sự của dòng chữ bí ẩn này. Khi nghiên cứu nét chữ được viết, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, nét chữ này chính là của Munch chứ không phải một ai khác.
Các nhà sử học cho rằng chính tác giả đã viết dòng chữ này lên tác phẩm sau khi nhận phản ứng dữ dội từ dư luận. Họa sĩ Munch là một người có suy nghĩ phức tạp, vì vậy, người ta cho rằng trong lúc buồn bã, ông đã viết câu văn đầy mỉa mai này trên bức tranh.
Nguồn: Mythuatsong