Hai thiếu nữ đi trên đồng lúa

Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung là tài danh xuất sắc của hội họa hiện đại Việt Nam của thế kỷ XX. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1935 - 1940) lúc 26 tuổi. Cùng bao thanh niên nghệ sỹ tài hoa bay bổng như Nguyễn Gia Trí,

Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung là tài danh xuất sắc của hội họa hiện đại Việt Nam của thế kỷ XX. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1935 - 1940) lúc 26 tuổi. Cùng bao thanh niên nghệ sỹ tài hoa bay bổng như Nguyễn Gia Trí,

Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân... thời tiền chiến lãng mạn “Hồn bướm mơ tiên”, thành công mê hồn ở những bức vẽ thiếu nữ thị thành, yểu điệu, xinh tươi, tà áo dài bay lượn trên cánh đồng vàng rực, cảnh thần tiên mộng ảo hoa lá, mây chim, những ngôi chùa cô tịch, hoài vọng về một quá khứ xa xôi trong cổ tích…

Những tấm sơn mài rực rỡ vàng son, long lanh trai ốc, vỏ trứng. Nguyễn Tiến Chung là tài năng thành danh sớm. Nhưng trên cả là một tâm hồn yêu thương bền bỉ. “Hồn quê” lặng lẽ chảy ngầm từ trong tác phẩm đầu tiên ấy đi tới suốt cuộc đời...

Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung (1914 - 1976). Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật

I. Họa sỹ của những người dân quê

Nông dân sản xuất ra lương thực nuôi toàn xã hội. Nông dân cũng là chủ đề lớn lao của hội họa hiện đại. Van Gogh (họa sỹ Hà Lan) vẽ những người nông dân cùng khổ đang ăn khoai, đang gieo hạt. Họa sỹ Pháp Milê nổi tiếng với hòa sắc nâu đỏ, màu đất đai của người dân vất vả, lầm lũi trên cánh đồng. Ở Việt Nam, họa sỹ Nguyễn Phan Chánh rất thành công với bức lụa Chơi ô ăn quan trò chơi của em bé nhà nghèo trên nền đất.

Cô thôn nữ rửa rau cầu ao đôn hậu, dịu dàng. Nguyễn Tư Nghiêm vẽ đoàn người đói khổ gào thét bên đồn giặc hay niềm vui làng quê giải phóng đón con nghé ra đời. Lưu Công Nhân vẽ nông dân đang cày ngoài đồng, đang học chữ. Họa sỹ Nguyễn Sáng vẽ người nông dân mặc áo lính lẫm liệt giữa chiến hào lửa máu. Chủ đề nông dân là nguồn cảm hứng dạt dào, vô tận cho nhiều thế hệ họa sỹ tài năng, can đảm từ trong quá khứ tới tương lai…

Người ta bảo họa sỹ Nguyễn Tiến Chung vẽ nông dân như vẽ người thân trong nhà, ông thuộc làu những khuôn mặt bà già, em bé, thôn nữ tới cảnh đồng quê, góc sân, vựa lúa, cảnh chăn trâu, cấy cày, gặt hái… Tình yêu thương làng quê lấp lánh trong ngọn bút thần tình của ông.

Bức sơn dầu Chăn trâu (1957) vẽ cảnh em bé chơi diều bên con trâu mộng hiền lành dưới ánh chiều nhuộm đỏ, gam màu nguyên sắc rực rỡ như tranh dân gian. Bức khắc gỗ đặc sắc Chợ Nhông (1956) vẽ ở Phú Thọ diễn tả sinh động cảnh chợ quê có váy áo, khăn vuông, nón lá, có cảm giác bồi hồi gặp lại cây đa, quán đình cách hàng trăm năm cũ, lối diễn tả xa gần hiện đại. Đường nét, màu sắc không ồn ào, náo nhiệt, mà ý nhị duyên dáng như bài thơ lục bát. Hồn quê lãng đãng bay trên mặt giấy dó, nền ngà đằm thắm.

Bức lụa khổ lớn Được mùa vẽ năm 1960 cảnh gặt lúa tưng bừng nhộn nhịp. Người nông dân là những vũ công vui tươi thu hoạch mùa màng. Hòa sắc vàng nâu trù phú, no ấm. Chất lụa vàng tơ óng ả, mịn màng trong trẻo đến ngỡ ngàng. Bức sơn mài Đập lúa (1963) vẽ cảnh ngày mùa bận rộn, lao động về đêm dưới ánh đèn ba giây tỏa sáng, ba nhân vật lực điền chiếm hết mặt tranh, nét vẽ to khỏe, mộc mạc. Lối diễn hình cách điệu dân gian ngộ nghĩnh. Hòa sắc xanh lạnh của sơn mài hiện đại trông thật đẹp.

Nguyễn Tiến Chung, Chăn trâu, sơn dầu, 1957

Nguyễn Tiến Chung, Lão dân quân Quảng Bình, bút sắt, 1965

Nguyễn Tiến Chung có bức sơn mài Đập lúa trên sân kho khổ dài. Bức sơn dầu lớn thời chiến tranh với năm cô du kích Hàm Rồng. Bức sơn mài Nguyễn Du đi câu với thi nhân và phong cảnh sông nước hữu tình. Sơn dầu về mỏ Đèo Nai. Những bức phong cảnh đồng quê bát ngát. Nhiều ký họa chuyến đi về ở Triều Tiên, lão dân quân Quảng Bình. Những ảo giác cô đơn buồn thảm trong minh họa về Chùa Đàn của Nguyễn Tuân hay Chinh phụ ngâm, Kiều…

Ông là họa sỹ đa tài, vẽ nhiều chất liệu từ bột màu, mực nho tới sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, tranh cổ động chính trị, minh họa sách báo, thể loại nào cũng thành công.

Khả năng kỳ diệu của các danh nhân về tài năng chính là sự độc đáo, phân biệt họ với đám đông, Nguyễn Tiến Chung độc đáo từ chữ ký, phương pháp tạo hình hiện đại, dân gian dí dỏm theo cách nhìn rất riêng. Hơi bút bay đi phóng túng, lãng tử như bậc thầy phương Đông cổ xưa. Màu sắc từ tinh vi, tinh tế tới những va đập dữ dằn, táo bạo những màu nguyên sắc lại cứ hài hòa, dịu ngọt. Sự nghiệp ông phong phú, đa dạng. Thân hình đậm chắc, lực lưỡng của người nông dân trong tác phẩm của ông phơi phới lạc quan, hồn hậu yêu đời.

Nguyễn Tiến Chung vẽ con vật quen thuộc như trâu bò, gà, mèo, ngựa,... Nhìn cảnh chọi trâu, chọi gà hay chú cò đơn độc bay trên nền giấy, nét bút lông nhẹ nhõm một hơi tựa cánh chim bay đi lại tràn đầy sức mạnh, lúc lướt nhẹ nhàng chợt bất ngờ dừng lại, gay cấn như trong cuộc đấu. Chủ tâm vẽ cái “thần” sự vật mình miêu tả hơn là chi tiết vặt vãnh ngoại hình, ông tới được cốt lõi của phép tạo hình phương Đông cổ xưa. Bức tranh bởi thế rất sinh động, hấp dẫn.

Nguyễn Tiến Chung, Chợ Nhông, khắc gỗ, 1956

Nguyễn Tiến Chung, Phong cảnh Sài Sơn, khắc gỗ, 1970

Từ bức sơn mài đầu tiên thiếu nữ thị thành mảnh mai, đài các tới bức sơn mài vẽ người dân quê mộc mạc, bình dị, ông tiến xa về tạo hình hiện đại. Hội họa của ông thấm đẫm cốt cách dân tộc từ chủ đề lớn lao, toàn thể tới thủ pháp biểu hiện có mạch ngầm kết nối nghìn năm với tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, có biến hình lập thể, dã thú, siêu thực của chủ nghĩa hiện đại châu Âu. Và, đấy là đóng góp quý báu cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Sống hết mình với người dân cần lao, hơi thở của sự sống cứ phập phồng trong những tác phẩm của ông. Nguyễn Tiến Chung tới được điều mà bất kỳ họa sỹ nào cũng ao ước: dân tộc và hiện đại, sự nhuần nhuyễn giữa truyền thống và cái mới. Bằng tài năng và trí thông minh ông còn cao siêu đạt tới sự giản dị, sâu sắc - dấu vết của một danh họa.

II. Nguyễn Tiến Chung - họa sỹ của niềm vui

Tôi là họa sỹ may mắn gặp ông từ thuở thanh niên. Năm 1973 từ Trường Sơn về dự trại sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại thôn Triều Khúc (ngoại thành Hà Nội) mà ông phụ trách. Chính ông đã giơ cánh tay thang vịn cho những bước đi nghệ thuật đầu tiên của tôi. Tôi biết ông từng dạy ở trường Mỹ thuật 10 năm, nhiều họa sỹ tài năng là học trò. Gần ông 3 tháng bên bức tranh sơn dầu, tôi hiểu được cái đủ, cái chưa đủ của mình. Lời ông ân cần, sâu lắng. Những cái hay ông phát hiện ở tôi, tôi gìn giữ suốt đời. Đó là tâm can của một tài năng lớn lúc đó đã 60 năm sống và làm nghệ thuật.

Những danh họa sống trong cuộc đời này dù bền bỉ, dài lâu như Picasso, Nguyễn Tư Nghiêm trên 90 tuổi, khổ đau, vất vưởng như Van Gogh 37 tuổi đời xét cho cùng chẳng quan trọng nhiều lắm, chính là sức ảnh hưởng cái mà họ sáng tạo nên. Tác phẩm có xuất sắc, ám ảnh, nâng đỡ chúng ta, có đem lại niềm vui sống cho đương thời và những kiếp hậu sinh. Ngắm nhìn họa phẩm của họ lòng ta có trào dâng niềm khâm phục và biết ơn? Đó là sức mạnh bất tử của nghệ thuật, của các đấng thiên tài.

Nguyễn Tiến Chung, Hai thiếu nữ đi trên đồng lúa, sơn mài, 1943-1944

Nguyễn Tiến Chung, Ngày chủ nhật, khắc gỗ,1960

Những bức tranh phong cảnh làng quê của họa sỹ Nguyễn Tiến Chung là bột màu, khắc gỗ hay sơn dầu, sơn mài, không gian trong tranh ông bao giờ cũng trong lành, tinh khiết. Người nông dân lao động tập thể hồn hậu, vui tươi, những rặng dừa, đồng lúa nguyên vẹn, con trâu, con gà chăm chỉ, mặt người tươi tắn, tin yêu với những ước vọng thanh bình từ trong bản thể.

Trước mắt tôi bức tranh khắc gỗ màu khổ lớn Ngày chủ nhật họa sỹ Nguyễn Tiến Chung vẽ 1960, cảnh người mẹ tay nâng đứa bé thơ ngây, thánh thiện cạnh cô gái ngừng trang sách mở nhìn theo trìu mến. Cảnh xum vầy đầm ấm có sách văn nghệ và lọ sen hồng tỏa hương. Không gian trùm lên màu xanh ngọc, trong suốt, yên tĩnh. Ngày chủ nhật thần tiên không vướng bận, lo toan, chỉ là giao cảm giao tình của lòng nhân ái. Những khuôn mặt trí tuệ, sáng tươi, tà áo dài quấn quýt dịu dàng. Màu sắc bức tranh mát mẻ tinh khôi, nét bút bậc thầy uốn lượn…

Hơn nửa thế kỷ đã qua rồi, ngày thanh bình hôm nay cũng khác. Những bon chen xô lấn thị dân, khói bụi căng thẳng và nhọc nhằn… giữa những giờ làm việc mệt mỏi, tôi nhìn bức tranh của ông tìm thấy sự an ủi, giải tỏa, tìm lại yên tĩnh và niềm vui.

Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung mất năm 1976 do bệnh hiểm nghèo. Ông sống 62 năm trong cuộc đời không bình yên, có năm tháng vui tươi hạnh phúc, những gian khổ thiếu thốn trong chiến tranh, niềm vui sáng tạo như ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim đam mê, nhân hậu. Nghệ thuật của ông là mặt hồ trong trẻo soi bóng làng quê Việt Nam, ngợi ca người nông dân chất phác cần cù yêu lao động và hòa bình, những niềm vui sống mãnh liệt giành tặng cho tương lai.

Nguồn: ape.gov.vn

Hai thiếu nữ đi trên đồng lúa
Hai thiếu nữ đi trên đồng lúa
Tác giả
Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù
Thời gian
1943 - 1944
Loại
Tranh sơn dầu
Tình trạng
Trưng bày
Liên hệ đặt hàng »
Từ khóa
#Tranh sơn dầu
Khám Phá các tác phẩm nổi tiếng khác

ADam Eva

Thời gian: 2024

Tác giả: HS Đỗ Đỗ

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ »

Đôi mắt

Thời gian: 2024

Tác giả: HS Đỗ Đỗ

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ »

Xuân yêu thương

Thời gian: 2024

Tác giả: HS Đỗ Đỗ

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ »

gái bản

Thời gian: 2024

Tác giả: HS Đỗ Đỗ

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ »

Tranh Phật

Thời gian: 2024

Tác giả: HS Đỗ Đỗ

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ »

hồng

Thời gian: 2024

Tác giả: HS Đỗ Đỗ

Tình trạng: Hết hàng

Liên hệ »