Tác phẩm này ra đời sau khi van Gogh đến thăm một khu chợ trời ở Paris vào năm 1886 và tình cờ thấy một đôi giày cũ. Sau đó, ông đã mua chúng và mang về xưởng vẽ của mình ở Montmartre. Theo một số nguồn tin, đôi giày không vừa chân, khiến họa sĩ phải dùng chúng làm đạo cụ cho một bức tranh.
Sau khi van Gogh qua đời, bức tranh đã trở thành chủ đề của nhiều phân tích lịch sử nghệ thuật và triết học, bao gồm cả phân tích của Martin Heidegger, Meyer Schapiro và Jacques Derrida, cùng nhiều người khác. Nó được mô tả là "đôi giày được ca ngợi nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại".
Vào năm 2009, Bảo tàng Wallraf-Richartz tại Đức đã tổ chức một buổi triển lãm mang tên “Vincent Van Gogh: Shoes”. Buổi triển lãm trưng bày toàn bộ những bức tranh của Van Gogh về giày và ủng.
Bức tranh về giày có gì đặc biệt đến mức có thể mở triển lãm? Đầu tiên là vì giày là một chủ đề lạ trong lịch sử hội hoạ. Giày ít khi xuất hiện như một trung tâm trong bức tranh. Tiếp theo là vì việc lựa chọn giày để vẽ càng thể hiện cá tính của Van Gogh hơn nữa. Lớp da sờn và dây giày rối tung là biểu tượng cho cuộc sống khó khăn của người lao động, hay cũng là cuộc đời của Van Gogh.
Triết gia Martin Heidegger khi nhìn thấy bức tranh, ông đã viết vài lời như sau: “Dưới đế giày trải dài sự cô đơn của cánh đồng khi màn đêm buông xuống. Đôi giày rung lên tiếng gọi thầm lặng của mặt đất, vương theo món quà của hạt chín còn sót lại mà đôi giày đã từ chối trong sự hoang tàn của cánh đồng mùa đông. "
Có lẽ Van Gogh đã không có được cảm nhận phức tạp như vậy nhưng chắc chắn một điều rằng Van Gogh cảm thấy đôi giày cũ này quen thuộc hơn bất cứ vật dụng nào. Khi còn ở Hà Lan, Van Gogh đã viết cho Théo rằng: “Anh tìm thấy cảm hứng của mình trong những ngôi nhà nghèo nhất, ở những góc khuất nhất. Và tâm trí của anh luôn hướng về những điều này với một động lực không thể cưỡng lại.”
A Pair of Shoes, 45 x 37,5 cm, 1886, Vincent Van Gogh, Van Gogh Museum, Amsterdam, Hà Lan.
Nguồn: en.wikipedia.org