Nguyễn Tư Nghiêm mang nặng tâm tư làm sống lại một chất liệu đã vượt qua hình hài mỹ nghệ, vươn tới những chủ đề lịch sử, xã hội, con người của thời đại mới. Những năm tháng hoà bình đầu tiên, Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác ngay hai tác phẩm sơn mài vào năm 1957, 1958, đạt được thành công rực rỡ là Đêm giao thừa hồ Gươm và Con nghé quả thực, đều trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cả hai đều có bố cục đông người, trong đó bức Con nghẻ quả thực có mười nhân vật, nam phụ lão ấu tình cờ gặp nhau trên một khoảnh đất rộng, nơi con đường quen thuộc người dân trong xóm qua lại hàng ngày. Họ gặp nhau về chuyện một con nghé xuất hiện với bộ lông ướt át, dáng điệu run rẩy đứng không vững.
Thông điệp Nguyễn Tư Nghiêm muốn chia sẻ là niềm vui của người nông dân sau cải cách ruộng đất, một cuộc cách mạng mang lại cuộc sống công bằng nơi thôn dã với thành quả lớn nhất là ruộng nương, nhỏ nhất là trâu nghé.
Con nghé trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là con nghẻ quả thực, tức là nó được ra đời từ con trâu quả thực, tạo niềm vui nhân đôi. Dàn trải trong không gian hội hoạ, mỗi nhân vật là một trạng thái tình cảm trước sự kiện này. Các nhân vật đồng hiện trong những lớp lang biểu hiện tình cảm, nhóm gần nghé nhất là bà cháu, chị công em, nhóm mẹ con hoan hỉ, đứng vỗ tay sung sướng. Xa hơn là người phụ nữ vác cuốc từ ruộng về nhà ngỡ ngàng dừng bước. Xa hơn là hai anh chị vịn gốc cây cũng không kém ngạc nhiên phấn khởi. Một bé gái đứng sau gốc cây khép nép sợ hãi run rẩy, có lẽ nó chưa trông thấy con vật này bao giờ.
Tranh con nghé quả thực ngay khi ra đời đã mang một ý nghĩa xã hội trong sở hữu tư nhân, Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện tác phẩm trong trạng thái tình cảm dành riêng cho người nông dân trước một niềm vui nhỏ bé.
Một mô típ trang trí bắt đầu xuất hiện từ tranh này là đám lá cây dày đặc, những tàu lá chuối mềm mại ôm ấp tạo không gian kết nối gắn bó người và cảnh. Mô típ này ta còn gặp trong loạt tranh sơn mài điệu múa cổ ra đời những năm 79, 80 nhưng cách điệu trong ngôn ngữ của trường phái bán trừu tượng.
Sáng tác về đề tài nông dân trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 50, Nguyễn Tư Nghiêm đặt vấn đề về người cày có ruộng, một chủ đề xã hội rộng lớn trong cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất ở nông thôn. Ở tác phẩm Con nghé quả thực, con người là những nhân vật trọng tâm sẽ làm rõ chủ đề con nghé.
Hình ảnh con nghé quả thực là biểu tượng cho niềm vui của người nông dân sau cải cách ruộng đất. Tên đầy đủ của tác phẩm phải là Con nghé quả thực mới hiện rõ chủ đề, một ẩn ý mà tác giả muốn chuyên chở trên tác phẩm này.