Lăng kính chia tia nắng thành sáu màu chính gồm đỏ, vàng, cam, lục, lam và tím. Tuy nhiên, phải đến vào năm 1839, Michel-Eugène Chevreul, một nhà hóa học làm việc cho xưởng nhuộm Gobelins ở Paris, mới sáng tạo nên “bánh xe màu sắc” đầu tiên. Nhờ vào bánh xe màu sắc này mà Van Gogh, từ một hoạ sĩ phớt lờ các quy tắc, trở thành một hoạ sĩ vô cùng thuần thục trong việc kết hợp màu sắc.
Chevreul chia bánh xe thành "màu nóng" (như cam, đỏ và vàng) và "màu lạnh" (như xanh lam, xanh lục và tím). Ông giải thích rằng các màu đối diện nhau trên bánh xe (ví dụ: màu vàng và màu tím) tạo ra độ tương phản tốt nhất và việc đặt hai màu như vậy gần nhau (như trong các sợi vải) sẽ tạo ra hiệu ứng tương tự. Van Gogh bị mê hoặc bởi ý tưởng đan xen của Chevreul đến nỗi ông đã giữ những quả bóng len có màu tương phản trong một chiếc hộp sơn mài.
Cặp màu tương phản mà Van Gogh cực kỳ yêu thích chính là màu vàng và xanh lam. Viết cho người bạn hoạ sĩ Emile Bernard ngay sau khi chuyển đến Arles, Van Gogh nhận xét: "Thị trấn được bao quanh bởi những đồng cỏ mênh mông đang nở vô số hoa mao lương - một biển màu vàng - ở phía trước bị chia cắt bởi một con mương đầy hoa diên vĩ xanh.", hay như trong bức thư gửi Theo năm 1888, Van Gogh háo hức chờ đợi mùa thu vì “khi những chiếc lá bắt đầu rụng, tất cả những tán lá đều chuyển sang màu vàng, nó sẽ nổi bật trên nền trời xanh tuyệt đẹp”. Sự kết hợp rõ rệt nhất của hai màu này được thể hiện trong bức tranh “Bình hoa diên vĩ trên nền vàng” (1889).
Vase with Irises Against a Yellow Background, 1889, 73,5 × 92 cm, Vincent Van Gogh, Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam, Hà Lan.